Ngày xửa ngày xưa, ở Lĩnh Nam có một thủ lĩnh tên Lạc Long Quân, vốn là con trai của Kinh Dương Vương và Long Nữ – con gái của Long Vương. Chàng vốn nòi Rồng có sức khỏe hơn người, lại có tài đi lại dưới nước như đi trên cạn. Đến vùng bờ biển Đông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá thành tinh đã mấy ngàn năm tung hoành ngang dọc. Lạc Long Quân quyết tâm giết loài yêu quái, trừ hại cho dân. Chàng giao chiến với yêu quái, rồi một gươm chém Ngư Tinh thành ba khúc. Khúc đuôi biến thành một hòn đảo dài có hình cong lên như đuôi rồng, nên về sau này được gọi là Bạch Long Vĩ.
Sau đó Lạc Long Quân đến Long Biên. Ở đây có con cáo chín đuôi sống đến hơn nghìn năm, chuyên hãm hại dân lành. Lạc Long Quân thương dân, một mình một gươm đến sào huyệt Hồ tinh. Sau ba ngày giao chiến cuối cùng tiêu diệt được nó, chàng vào hang cứu người rồi sai các loài thủy tộc dâng nước sông Cái, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo. Dẹp yên nạn Hồ Tinh, Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi đến đất Phong Châu. Ở vùng này có một yêu được gọi là Mộc Tinh chuyên bắt người để ăn thịt. Lạc Long Quân phải luồn hết rừng này đến rừng kia và qua nhiều ngày gian khổ mới tìm thấy chỗ con yêu. Lạc Long Quân giao chiến với nó trăm ngày đêm. Cuối cùng Lạc Long Quân phải dùng đến những nhạc cụ như chiêng, trống làm nó khiếp sợ và chạy về phía Tây Nam.
Diệt xong được nạn yêu quái, Lạc Long Quân thấy người dân nơi đây còn rất nghèo, vì thế chàng dạy họ cách trồng lúa, nấu cơm bằng ống tre và cách dựng nhà cao từ cây để tránh thú dữ. Chàng còn dạy dân biết đạo làm người. Dân cảm ơn đức ấy, xây cho Lạc Long Quân một tòa cung điện nguy nga trên một ngọn núi cao. Nhưng Lạc Long Quân không ở, thường về quê mẹ ở dưới thủy phủ và dặn dân chúng rằng: Hễ có tai biến gì thì hãy gọi ta, ta sẽ về ngay. Bấy giờ Lạc Long Quân đi chu du khắp nơi. Chàng gặp được Âu Cơ là con của Đế Lai, tài sắc vẹn toàn. Âu Cơ vốn là dòng tiên cảm phục Lạc Long Quân trí dũng hơn người nên hai người đã kết duyên vợ chồng. Lạc Long Quân ở với Âu Cơ được ít lâu thì Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc. Sau bảy ngày cái bọc nở ra một trăm quả trứng. Mỗi trứng nở ra một người con trai. Trăm người con trai đó lớn lên như thổi, tất cả đều xinh đẹp, khỏe mạnh và thông minh tuyệt vời. Nhiều năm trôi qua, Lạc Long Quân sống đầm ấm bên cạnh đàn con, nhưng lòng vẫn nhớ thủy phủ.
Một hôm Lạc Long Quân bàn với Âu Cơ sẽ chia ra mỗi người một phương, cùng nhau cai quản bờ cõi. Âu Cơ lên núi, Lạc Long Quân xuống biển, gặp sự nguy hiểm thì cùng tương trợ lẫn nhau. Sau đó Lạc Long Quân từ giã Âu Cơ. Năm mươi người con theo Lạc Long Quân xuống biển, năm mươi người con theo Âu Cơ lên núi. Trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu được tôn làm vua nước Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương. Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được 18 đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn kể mình là dòng giống Tiên Rồng.